Cây tề thái hạ sốt, cầm máu

Hỏi:Cây tề thái có ở nước ta không, nó chữa được bệnh gì?

(Nguyễn Tiến Nam - Hà Nội)

Trả lời: Cây tề thái còn gọi là tề, tề thái hoa, địa mễ thái.

Tên khoa học Capsella bursa pastoris (L.) Medic.

Thuộc họ Chữ thập Brassicaceae (Cruciferae).

Tề thái (Herba Capsellae) hoặc (Herba Bursae pastoris) là toàn cây tề thái phơi hay sấy khô.

Mô tả cây

Cây mọc hàng năm hay 2 năm. Thân gầy nhỏ, màu xanh lục nhạt có lông mịn, phân nhánh hoặc không phân nhánh. Cao từ 20 - 40cm. Lá phía gốc mọc sát mặt đất thành hoa thị, cuống ngắn hoặc không cuống, phiến lá xẻ thành nhiều răng cưa thô to, trên phiến lá có lông nhỏ. Lá phía trên không có cuống, ôm lấy thân cây, mép có răng cưa hoặc nguyên hay hơi cắt sâu. Hoa mọc thành chùm ngắn ở đầu cành hay kẻ lá. Hoa nhỏ màu trắng. Đầu xuân nở hoa 4 cánh 4 lá đài xếp thành hình chữa thập. Nhị 4. Bầu thượng 2 ngăn. Quả hình tim ngược dẹt giống cái túi người chăn cừu bên châu u, do đó có tên Bursa là túi, pasoris có nghĩa là người chăn cừu.

Phân bố thu hái và chế biến

Cây mọc hoang ở miền Bắc Việt Nam, nhiều nhất ở vùng Sapa (Lào Cai), Ninh Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tây, Hà Nội, thường thấy trên các bãi hoang.

Tại các nước khác như Liên Xô cũ, Trung Quốc, Pháp và một số nước châu u đều có mọc thu hoạch vào mùa hạ (từ ngày lập hạ đến hạ chí theo nông lịch). Nhổ toàn cây lên, cắt bỏ rễ phơi khô.

Tại Liên Xô công nhận tề thái là vị thuốc được dùng chính thức với những tiêu chuẩn sau đây: độ ẩm không quá 13%, tro toàn bộ không quá 10%, tro không tan trong HCL không quá 2%, tạp chất hữu cơ lẫn vào không quá 2%, thân còn cả rễ không quá 2%.

Công dụng và liều dùng

Cây tề thái hạ sốt, cầm máu

Đông y và Tây đều dùng tề thái làm thuốc cầm máu, chữa sốt, lợi tiểu, dùng trong những trường hợp ruột, tử cung xuất huyết, khái huyết, kinh nguyệt quá nhiều.

Trong Bản thảo cương mục ghi rằng: tề thái có khả năng lợi gan, hòa trung, lợi ngũ tạng, rễ dùng chữa đau mắt, làm sáng mắt, ích dạ dày, rễ và lá đồt thành than chữa xích bạch lỵ, hạt minh mục (làm sáng mắt), chữa đau mắt, thong manh, bổ ngũ tạng, chữa lỵ lâu ngày.

Gần đây nhân dân Trung Quốc dùng chữa có kết quả bệnh đi tiểu đục.

Ngày dùng 6 -12g dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng cao lỏng mỗi lần 1 - 3ml, ngày 3 lần, hoặc cồn 1/10 ngày dùng nhiều lần, mỗi lần 15ml.

(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

của GS. ĐỖ TẤT LỢi

Hoài sơn: Thuốc bổ ngũ tạng

Theo Đông y, hoài sơn vị ngọt hơi đắng, tính bình; vào kinh tỳ, phế, thận và vị. Có tác dụng ích khí dưỡng âm, kiện tỳ, bổ phế thận, sinh tân. Y học cổ truyền dùng làm thuốc bổ ngũ tạng, mạnh gân xương, chữa suy nhược cơ thể, bệnh đường ruột, tiêu chảy, lỵ, đái tháo đường, bổ thận; chữa đau lưng, hoa mắt chóng mặt… Liều dùng: 12 - 63g. Xin giới thiệu một số bài thuốc có hoài sơn:

Kiện tỳ, cầm tiêu chảy. Trị chứng tỳ hư, tiêu chảy, kém ăn, người mệt

Hoài sơnHoài sơn dưỡng âm kiện tỳ bổ phế thận. Trị suy nhược cơ thể, bệnh đường ruột, tiêu chảy, đái tháo đường…

Bài 1: sơn dược 63 - 125g, gạo nếp, lượng vừa đủ, sao hơi vàng. Sắc uống.

Bài 2: Phì nhi hoàn: hoài sơn 60g, phục linh 45g, bạch biển đậu sao 45g, sơn tra 45g, thần khúc 45g, đương quy 45g, bạch truật sao 30g, trần bì 30g, sử quân tử 30g, hoàng liên 20g, cam thảo 20g. Các vị tán bột mịn, làm hoàn mật, viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 3 - 4g. Tác dụng kiện tỳ tiêu thực. Dùng cho trẻ em gầy yếu.

Bài 3: Cốm bổ sâm hoài: hoài sơn 100g, đảng sâm 50g (hoặc bố chính sâm) 50g, ý dĩ 100g, bạch truật 50g, mạch nha 100g, binh lang 25g, vỏ quýt 25g. Tất cả sao vàng, nghiền bột mịn, thêm ít nước hồ làm viên. Ngày ăn 2 lần, mỗi lần 8 - 12g. Chữa suy dinh dưỡng trẻ em có kèm theo tiêu chảy.

Ích thận cố tinh. Trị thận hư gây mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, đái vặt không nhịn được, phụ nữ đới hạ (bạch đới): dùng Thang bí nguyên: sơn dược 12g, đảng sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, khiếm thực 12g, táo nhân 12g, kim anh tử 12g, viễn chí 6g, ngũ vị tử 6g, cam thảo 6g. Sắc uống. Trị di tinh, tiêu chảy, bạch đới.

Nhuận phế chữa ho. Trị các chứng phế thận âm hư, ho hen suyễn: sơn dược sống, liều lượng tuỳ ý, sắc uống thay nước chè. Trị chứng lao phổi, buổi chiều hơi sốt, thở khó, ho, tự nhiên ra mồ hôi.

Sinh tân chỉ khát. Trị âm hư, tân dịch khô kiệt, sốt cao, miệng khát, đái tháo đường:

Bài 1: Thang Ngọc dịch: hoàng kỳ 12g, cát căn 12g, thiên hoa phấn 12g, tri mẫu 12g, sơn dược 24g, kê nội kim 8g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống.

Bài 2: sơn dược 32g, phúc bồn tử 12g, mạch môn 12g, thiên hoa phấn 12g. Sắc uống.

Bài 3: Tuỵ lợn hầm củ mài: củ mài 60g, tụy lợn 1cái, cùng thái lát hầm nhừ, thêm muối gia vị ăn.

Bài 4: hoài sơn 180g, liên tử 90g, phục linh 40g, ngũ vị tử 350g, thỏ ty tử 300g. Tất cả nghiền bột mịn, thêm rượu trộn với nước hồ làm hoàn, viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 50 viên với nước cơm.

Kiêng kỵ: người có thấp nhiệt thực tà không được dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

Hạt dẻ, thuốc quý mùa đông

Theo Đông y, hạt dẻ có vị ngọt, tính ấm đi vào 3 kinh tỳ, vị và thận. Có công năng bổ thận ích tinh, làm mạnh gân cốt, tăng cường chức năng tiêu hóa, nuôi dưỡng dạ dày, cầm máu, chữa trị tiêu chảy do tỳ, vị hư hàn hay lưng gối do thận hư...

Một số bài thuốc thường dùng có hạt dẻ :

Bổ thận, mạnh gân cốt, chữa thận hư lưng gối mềm yếu đau mỏi: Hạt dẻ (bóc bỏ vỏ) 20g, gạo tẻ 50g; gạo và hạt dẻ vo sạch, nấu thành cháo, khi cháo chín thêm đường trắng hoặc chút muối tùy khẩu vị, ăn mỗi ngày một lần.

Hạt dẻ, thuốc quý mùa đông

Hạt dẻ vị ngọt, tính ấm có tác dụng bổ thận, ích tinh...

Bổ tâm thận, mạnh lưng gối, tim loạn nhịp, mất ngủ: Hạt dẻ 10 quả (bóc bỏ vỏ), long nhãn 15g, gạo tẻ 50g; hạt dẻ đập nhỏ trộn cùng gạo nấu thành cháo, khi cháo sắp chín thì cho long nhãn vào nấu đến khi cháo chín, thêm đường trắng trộn đều, ăn điểm tâm buổi sáng hoặc chia đều ăn trong ngày.

Chữa suy nhược cơ thể, tay chân đau nhức, yếu mệt: Hạt dẻ khô khoảng 30g đem nấu chín với nước, cho thêm đường đỏ, ăn một lần trước lúc ngủ.

Trị chứng thận hư, đau nhức xương khớp ở người cao tuổi: Dùng 30 hạt dẻ tươi nướng hoặc hấp chín, ăn hai lần vào buổi sáng và tối.

Trị hen suyễn, thận và khí hư ở người cao tuổi: Dùng 60g hạt dẻ tươi, thịt lợn nạc vừa đủ, 2 - 3 lát gừng tươi, hầm ăn mỗi ngày một lần.

Trị viêm miệng lưỡi, viêm âm nang do thiếu vitamin B2: Hạt dẻ rang chín, mỗi ngày ăn hai lần, mỗi lần 5 - 7 hạt.

Trị tiêu chảy do tỳ vị hư hàn: Hạt dẻ 30g, 12g phục linh, 10 quả táo, 60g gạo tẻ, rửa sạch nấu thành cháo. Khi ăn cho thêm đường trắng.

Hạt dẻ, thuốc quý mùa đông

Cháo hạt dẻ bổ thận, mạnh gân cốt...

Lưu ý: Mặc dù hạt dẻ ngon và bổ nhưng nếu ăn thường xuyên sẽ gây đầy bụng, khó tiêu. Thành phần của hạt dẻ hầu như không có chất xơ, nên ăn nhiều sẽ gây táo bón. Những người tiêu hoá kém không nên ăn hạt dẻ nhiều dễ làm tổn thương tỳ vị.

Người bị bệnh dạ dày nên hạn chế ăn hạt dẻ vì sẽ sản sinh nhiều axit dạ dày, tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, người bị nặng sẽ dẫn đến xuất huyết dạ dày. Người bị cảm chưa khỏi, bệnh nhân mắc chứng sốt rét, kiết lỵ, phụ nữ sau khi sinh không nên ăn nhiều hạt dẻ. Mỗi ngày không nên ăn quá 10 hạt dẻ to để tránh bị táo bón.

Khi ăn hạt dẻ cũng cần chú ý không ăn các loại hạt đã có dấu hiệu mốc hỏng. Khi bóc hạt dẻ nếu thấy màu sắc bên trong thay đổi thì cần phải bỏ ngay. Trước khi rang hay chế biến món ăn từ hạt dẻ nên lưu ý cần rửa sạch hạt dẻ hoặc bóc vỏ. Không nên rang hạt dẻ đến mức cháy khét vì sẽ làm giảm đi hàm lượng dưỡng chất trong hạt dẻ. Để bảo quản hạt dẻ được tốt nên để chỗ thoáng mát, sạch sẽ, phòng mối mọt.

Bác sĩ Thanh Lan

Cải canh giúp kiện tỳ, tiêu đờm, mát phế

Chữa đầy bụng, chậm tiêu, ngực sườn đầy tức, viêm khí quản, ho đàm, mập phì, mỡ máu cao, mụn nhọt, chứng đàm thấp nhức mỏi. Hạt cải canh còn gọi bạch giới tử, là vị thuốc quý tác dụng tiêu đờm lợi thấp, ôn trung, chỉ thống, tán kết. Trị ho suyễn, phong thấp tê dại. Hạt cải ép lấy dầu chế mù tạc là món gia vị khoái khẩu nhiều người.

Sau đây, xin giới thiệu một số món ăn thuốc từ cải canh:

Chữa ho mệt thở dốc: rau cải canh nấu với phổi lợn, thịt lợn băm nhỏ xào hành cho thơm, gia vị vừa đủ nấu canh ăn.

Chữa ho sổ mũi do phong hàn: cải canh 100g, gừng tươi 15g, sắc nước uống.

Chữa bụng đầy, ho đàm: cải canh 150g, vỏ quít 20g, sắc uống.

Chữa ăn chậm tiêu: cải canh luộc chấm mắm gừng ăn thường xuyên.

Chữa đau nhức các khớp do thấp: bạch giới tử 120g, mộc miết tử 120g, một dược 20g, quế tâm 20g, mộc hương 20g. Các vị tán bột, mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần với rượu ấm.

Chữa hơi lạnh trong bụng đưa lên: bạch giới tử 1 chén, sao qua, tán bột, làm hoàn to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 10 hạt với nước gừng.

Chữa liệt thần kinh mặt ngoại biên: bạch giới tử hoặc hoàng giới tử tán bột 10g, trộn với nước, gói vào miếng gạc đắp vào vùng liệt ở má, giữa 3 huyệt địa thương, hạ quan và giáp xa.

Thường xuyên ăn cải canh bằng cách nấu canh thịt, cá hoặc luộc, xào làm ăn ngon mau tiêu, ngủ dễ, giảm chứng mỡ máu cao, mập phì, trừ phong thấp nhức mỏi tê bì.

Lương y Nguyễn Văn Sáu

Rễ cỏ may trị bệnh gan

Thu hái cây quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Cây cao 50-60cm, có thân rễ mọc bò. Lá xếp sít nhau ở gốc, hình dải hẹp, mềm, phẳng, mép nhăn nheo, bẹ tròn, không có tai, hẹp. Cụm hoa là chùy kép, màu nhạt hay màu tím sậm, dài 2,5-10cm; cuống chung khá lớn, mang cành nhánh hình sợi; mỗi đốt mang 3 bông nhỏ không cuống, hay gãy và mắc vào quần áo. Quả dẹp, dài.

Cỏ may là vị thuốc Nam quý, được sử dụng rộng rãi trong YHCT. Để làm thuốc dùng thân rễ và toàn cây, dược liệu có vị đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu, chữa da vàng, mắt vàng và trị giun.

Dưới đây là bài thuốc kinh nghiệm thường dùng để bạn đọc tham khảo:

Chữa bệnh về gan, da vàng, mắt vàng: Rễ cỏ may 60g rửa sạch, sắc với 500ml nước còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Uống liền trong 5-7 ngày.

Trị giun đũa: Hạt cỏ may 20g sao vàng, sắc với 400ml nước, còn 150ml, uống tất cả nước sắc này 1 lần sau bữa ăn.

Chữa giun chui ống mật: Rễ cỏ may 30g, rửa sạch, sắc với 300ml nước còn 100ml, uống 1 lần lúc thuốc còn ấm. Sau đó lấy 1 quả trứng gà tươi đập lấy lòng đỏ và lòng trắng khuấy đều với 1 thìa cà phê đường kính hoặc 2 thìa mật ong uống liền. Lập lại lần 2 nếu còn cơn đau nhẹ.

Trong rễ cỏ may không có độc tố. Sau khi uống thuốc, hết các triệu chứng, uống 1 liều thuốc tẩy giun albendazol hoặc mebendazol... Người mắc chứng giun chui ống mật, cứ 6 tháng đến 1 năm phải uống thuốc tẩy giun 1 lần.

Lương y Minh Tiến

Thuốc hay từ chuối

Nước ta có nhiều loại chuối như chuối tiêu, chuối tây, chuối hột. Trong đó chuối tiêu được dùng làm thực phẩm dinh dưỡng và làm thuốc nhiều nhất.

Chuối tiêu thơm ngon, giàu dinh dưỡng do chứa bột đường (glucose, fructose, sucroe); protein là albumin và globulin, mà được cấu tạo bởi các acid amin cần thiết; các vitamin: A, B, C, H...; các nguyên tố Ca, Fe, Mg, K, Na, Zn... và nhiều enzym: amylase, invertase... Theo Đông y, chuối tiêu vị ngọt, tính lạnh; vào vị, đại tràng. Có công năng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Dùng cho các trường hợp táo bón, sốt nóng khát nước, mụn nhọt, trĩ xuất huyết, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, an thai. Vỏ quả chuối chín có vị ngọt, chát, tính ôn; có tác dụng sát khuẩn, chỉ tả. Củ chuối: vị ngọt, lạnh; có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Dịch nhựa chảy ra từ thân hay củ chuối: vị ngọt, chát, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc. Hằng ngày có thể ăn 1 - 5 quả; 20 - 30g vỏ chuối; 60 - 120g tươi củ chuối.

Chuối tiêu thơm ngon, giàu dinh dưỡng, lại là vị thuốc nhuận tràng nhuận phế trị táo bón, trĩ xuất huyết, phế nhiệt.

Một số đơn thuốc và thực đơn chữa bệnh:

Chữa đái ra máu: củ chuối tươi 120g, cỏ nhọ nồi 30g. Sắc lấy nước, uống trong ngày.

Chữa trĩ ra máu: chuối 2 quả, để cả vỏ, nấu chín, ăn trong ngày, dùng nhiều lần.

Chữa phế nhiệt, đàm suyễn: củ chuối tươi 60g, rau sam 30g. Giã nát ép lấy nước, đun âm ấm để uống.

Chữa mụn nhọt ở sống lưng, viêm cơ: củ chuối hay rễ chuối, giã nát đắp chỗ đau.

Chữa trúng độc do ăn uống: củ chuối tiêu 200g - 500g, thái miếng, sắc đặc lấy 1 bát. Cho uống để gây nôn.

Phòng và chữa viêm loét dạ dày: chuối tiêu xanh thái lát, phơi hay sấy ở nhiệt độ dưới 500C, tán bột. Ngày uống 20 - 30g.

Chuối luộc: chuối chín 2 - 3 quả, để cả vỏ luộc chín, cho ăn cả vỏ. Dùng cho các trường hợp táo bón, trĩ nội, ngoại xuất huyết.

Chuối hấp đường phèn: chuối chín 2 - 3 quả, đường phèn 100g. Chuối cắt đoạn, thêm đường phèn, đun cách thủy cho chín. Ngày 1 - 2 lần. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản, ho khan, đờm ít dính, táo bón.

Kiêng kỵ: Không dùng nhiều khi bị tiêu chảy, đầy bụng trướng hơi.

Ts. Nguyễn Đức Quang

Những vị thuốc quý từ quả nhót

Lá nhót chứa tanin, saponosid, polyphenol.

Theo YHCT, quả nhót có vị chua, chát, tính bình, vào các kinh phế đại tràng, có tác dụng chỉ ho, trừ đờm, bình suyễn, chỉ tả. Lá có vị chát có tác dụng chỉ ho, bình suyễn, giảm sốt.

Nhân hạt nhót có tác dụng sát khuẩn, trị giun sán. Rễ có tác dụng cầm máu, giảm đau, thường dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng lẻ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Liều dùng hằng ngày: quả 8 - 12g (5 - 7 quả khô), lá tươi 20 - 30g, lá và rễ (khô) 12 - 16g. Dùng ngoài dưới dạng nước tắm, rửa mụn nhọt, không kể liều lượng.

Theo các thực nghiệm về sinh học, lá nhót có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều chủng vi khuẩn gram dương và gram âm; đặc biệt đối với các chủng trực khuẩn lỵ: Shigella dysenteria, Shigella shiga, Shigella flexneri, Shigella sonnei. Trên động vật thí nghiệm, lá nhót có tác dụng chống viêm cấp và mạn tính; tác dụng tăng cường sức co bóp của tử cung.

Nhót chín đỏ ngọt lịm

Các dược liệu từ nhót thường được dùng trị một số chứng bệnh sau đây:

Trị lỵ trực khuẩn và bệnh tiêu chảy, viêm đại tràng mạn tính:

Lấy 20 - 30g lá nhót tươi hoặc 6 - 12g lá nhót khô, sao vàng, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày, trước các bữa ăn 1,5 giờ. Có thể uống liền 1 - 2 tuần đến khi hết các triệu chứng. Hoặc dùng dưới dạng bột khô lá nhót, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 8 - 12g, uống với nước cơm; hoặc phối hợp đồng lượng với bột của vỏ cây đỗ trọng nam. Lưu ý: khi uống cần kiêng các thức ăn tanh, lạnh: cá cua, ốc, ếch...

Trị ho, nhiều đờm, hen suyễn:

Lá nhót 16g sao vàng, lá táo ta (táo chua) 12g sao vàng; hạt cải củ, hạt cải bẹ, mỗi thứ 6g, sao vàng, giã giập. Hạt cải củ, cải bẹ gói vào miếng vải sạch, cho vào cùng sắc nước với lá nhót và lá táo. Sắc 2 - 3 lần, gộp dịch nước sắc lại, chia 3 lần uống trong ngày trước bữa ăn 1,5 giờ. Uống liền 2 - 3 tuần đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

Nhót xanh dầm muối ớt là món khoái khẩu với những người ăn đồ chua

Trị ho, hen, khó thở:

Có thể dùng quả nhót 6 - 12g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm, hay thuốc bột. Uống nhiều ngày, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

Trị ho ra máu, hoặc nôn ra máu, chảy máu cam:

Rễ nhót 16g sao đen, sắc uống ngày một thang. Có thể phối hợp với cỏ nhọ nồi, ngải diệp, trắc bách diệp. Tất cả đều sao đen, sắc uống ngày một thang, chia 3 lần uống trước bữa ăn 1,5 giờ. Trong khi uống thuốc, cần kiêng các thứ cay nóng: rượu, bia, ớt...

Quả nhót, lá nhót, hạt nhót đều có thẻ dùng làm thuốc

Kiêng kỵ: Lá và rễ nhót không dùng cho phụ nữ có thai.

Khi sử dụng nhót, cần tránh nhầm lẫn với vị thuốc nhót tây, còn gọi nhót Nhật Bản, hay tỳ bà diệp. Nhót tây mọc hoang và được trồng ở nhiều ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội... Nhót tây cao tới 6 - 8m. Lá mọc so le, hình mác, có răng cưa, dài 12 - 30cm, rộng 3 - 8cm, phía mặt dưới của lá có rất nhiều lông màu xám hay vàng nhạt. Đây là đặc điểm nổi bật để phân biệt với nhót. Lá nhót tây cũng được sử dụng để trị ho, hen.

GS. TS. Phạm Xuân Sinh